Chuyện là mình có một khóa Creative Training ở
trường và được giao cho đọc quyển sách này, Mindset! của tác giả John
Naisbitt, và phải nói đây là một cuốn sách khá hay dành cho những bạn muốn
suy nghĩ sáng tạo cũng như mở mang đầu óc và xóa bỏ những định kiến, quy củ
cũng như những công thức máy móc được lập trình sẵn trong đầu.
Đối với mình mà nói,
đây là một cuốn sách rất thú vị, vì khi đọc, đôi khi mình phải thốt lên: "Ồ,
thì ra là như thế!", bởi nó đề cập đến những vấn đề mà mình chưa nghĩ đến
cũng như phân tích sâu những điều mình cho là hiển nhiên. Mục đích của tác giả
không phải là áp đặt những tư duy mới lên người đọc, mà là giới thiệu cho người
đọc những tư duy ấy, cho họ biết rằng ngoài những thứ thường lệ, đôi khi chúng
ta cần nhìn sâu hơn vào một vấn đề, để thấy được có những điều mới lạ mà ta
chưa kịp khám phá, để nhận ra những rào cản suy nghĩ mà chúng ta tự áp đặt lên
bản thân và ngăn bản thân khỏi sự sáng tạo trong công việc hay học tập.
Quyển sách này được chia làm 2 phần, phần 1 được tác giả tập trung giới thiệu 11 tư duy mới cùng những ví dụ trong lịch sử, khoa học, công nghệ để mình chứng cho giá trị thực tiễn của chúng, còn phần 2 tác giả chủ yếu phân tích những trường hợp trên thế giới đã áp dụng những tư duy như thế để phát triển. Đối với cá nhân mình thì mình thích nhất một mindset được tác giả đề cập là The power of not having to be right: Sức mạnh của việc không đúng. Đây là một tư duy rất mới mẻ đối với mình, vì bản thân mình cũng là một người khá cố chấp. Trong phần này, tác giả nhấn mạnh việc bạn luôn có những giả định, giả thuyết ngay tức khắc khi vừa nhìn vào một vấn đề. Và thiên tính con người thường khẳng định rằng cái giả thuyết ấy là đúng, cho phép bạn tự hào về suy nghĩ của bản thân và lập luận theo lối suy nghĩ riêng của mình, Tuy nhiên, khi làm như vậy tức là bạn đã tự khóa suy nghĩ mình lại, ngăn cản bản thân khỏi những điều chưa biết, những tiềm năng vô tận khác. Chính vì vậy, việc nhận ra rằng không phải lúc nào bản thân cũng đúng cho phép ta tự do hơn trong hành trình học hỏi và khám phá, bởi ta không còn bị vướng bận bởi sự cố chấp của bản thân, Chính lúc đó, đầu óc ta được rộng mở để tiếp thu những điều mới lạ hơn, xoá bỏ đi những định kiến đã ăn sâu trong tiềm thức.
Tuy nhiên, cuốn sách này có một nhược điểm là đôi khi, tác giả thường quá sa vào việc đưa ra dẫn chứng và ví dụ, khiến người đọc dễ lạc lối giữa nhiều luồng thông tin và bị quá tải mà quên mất thông điệp chính. Ví dụ như có một phần nói về các giả thuyết và lý thuyết vật lý của Einstein khiến mình quá tập trung để hiểu được lý thuyết mà quên mất tư duy chính mà tác giả muốn giới thiệu. Thế nên, phần quan trọng nhất là ở cuối mỗi phần, tác giả thường viết một phần tóm tắt nho nhỏ gồm tất cả những thông điệp quan trọng mà tác giả muốn truyền tải. Đối với mình thì đây thường là phần hay nhất và cũng là phần đọng lại trong mình nhiều nhất sau khi đọc xong quyển sách này.
Về cơ bản, đây là một quyển sách hay về tư
duy sáng tạo và mình rất tích cực giới thiệu cho những bạn nào đang muốn thay đổi
tư tưởng hay suy nghĩ sáng tạo hơn. Mình rất mong các bạn sẽ đọc quyển sách này
và đóng góp cảm nhận của các bạn ở phần comment cũng như những ý kiến đóng góp
cho chuyên mục này của Fineliners nhé!
BerryB
BerryB
Hiện nay cuốn Mindset! chưa được dịch sang tiếng Việt, tuy nhiên bạn có thể mua bản tiếng Anh tại Amazon.
Photo credit: davis.steve32 / Foter.com / CC BY
Đăng nhận xét